Bị phế truất và bị giết Lương_Giản_Văn_Đế

Vào hè năm 551, Hầu Cảnh lại một lần nữa dẫn quân đi cứu viện Nhâm Ước, đem theo Tiêu Đại Khí làm con tin. Với sự trợ giúp của Hầu Cảnh, Nhâm Ước ban đầu đã lấy được trọng thành Giang Hạ (江夏, nay thuộc Vũ Hán, Hồ Bắc), và Hầu Cảnh đã tiến sát đến căn cứ của Tiêu Dịch tại Giang Lăng (江陵, nay thuộc Kinh Châu, Hồ Bắc). Tuy nhiên, quân của Hầu Cảnh sau đó đã bị sa lầy khi cố bao vây Ba Lăng (巴陵, nay thuộc Nhạc Dương, Hồ Nam), do bộ tướng Vương Tăng Biện (王僧辯) của Tiêu Dịch đã phòng thủ thành công. Ngay say đó, quân của Hầu Cản cạn nguồn lương thực và suy sụp. Nhâm Ước bị bắt giữ và hai phúc tướng khác của Hầu Cảnh là Tổng Tử Tiên (宋子仙) và Đinh Hòa (丁和) bị giết chết. Hầu Cảnh phải chạy trốn về Kiến Khang.

Vương Vĩ có tranh chấp với Lật Dương công chúa và cho rằng bà rốt cuộc sẽ làm hại tới mình, vì thế Vương Vĩ đã thuyết phục Hầu Cảnh loại bỏ Giản Văn Đế để chứng tỏ quyền lực. Bản thân Hầu Cảnh muốn trở thành hoàng đế, và đến mùa thu năm 551, ông ta đã phế truất Giản Văn Đế và giáng cựu hoàng đế làm Tấn An vương, và đưa Dự Chương vương Tiêu Đống (trưởng tử của Tiêu Hoan) lên làm hoàng đế. Hầu Cảnh đã ra lệnh hành quyết tất cả những hoàng tử của Giản Văn Đế nằm trong tay mình, bao gồm cả Thái tử Tiêu Đại Khí. Sau đó, Hầu Cảnh đã hối tiếc vì đã thực hiện các bước đi này, và đã tính đến chuyện phục vị cho Giản Văn Đế và lập Tiêu Đống làm thái tử, song Vương Vĩ đã khuyên Hầu Cảnh không nên làm như vậy. Hầu Cảnh tiến hành quản thúc tại Vĩnh Phúc tỉnh đối với Tấn An vương.

Trong thời gian bị quản thúc, Tấn An vương rất buồn rầu và sợ hãi. Ông đã viết hàng trăm bài thơ, song vì không được cung ứng giấy để viết, ông đã viết các áng thơ lên tường và bình phong tại phủ. Chưa đầy hai tháng sau khi ông bị phế truất khỏi ngôi vị hoàng đế, Vương Vĩ đã thuyết phục Hầu Cảnh phải loại bỏ cựu hoàng, vì thế Hầu Cảnh đã phái Vương Vĩ cùng Bành Tuyển (彭雋) và Vương Tu Toản (王修纂) đến Vĩnh Phúc tỉnh vào một đêm. Tấn An vương biết được ý định của những người này nên đã thiết tiệc và uống rượu với họ, rồi trở nên rất say. Đến khi ông ngủ thiếp đi, họ đã làm ông chết ngạt, và sau đó đặt ông vào một chiếc quan tài, đem đi cất giữ tại một nơi nấu rượu. Năm 552, sau khi Vương Tăng Biện chiếm được Kiến Khang, Vương đã cho đưa quan tài của Giản Văn Đế vào hoàng cung và an táng với lễ nghi dành cho hoàng đế.